Cồn Hô, nơi phải đến để trải nghiệm cuộc sống miệt vườn đúng chất

Bình yên Cồn Hô

Nhân tìm các thông tin về Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer năm nay (30/10 – 31/10/2020) thì phát hiện ra một…cái cồn. Chuyện là tỉnh Trà Vinh mới ra mắt mô hình “du lịch tự thân” mà không gian của chính là ở Cồn Hô. Mới hơn tháng trước vừa đi khảo sát Cồn Chim đã mê tít rồi nên quyết tâm phải sớm chạm vào cái điểm mới này. Thế là khăn gói và đặt xe ngay và luôn để trải nghiệm xem Cồn Hô có cái gì đặng còn về kể cho mọi người nghe.

Cồn Hô là một cù lao nhỏ giữa sông Cổ Chiên
Cồn Hô là một cù lao nhỏ giữa sông Cổ Chiên

Từ thành phố Trà Vinh đi Cồn Hô không xa lắm

Search google map thấy khoảng cách đến Cồn Hô nếu đi từ trung tâm thành phố Trà Vinh là khoảng 20km thì không xa lắm. Mượn nhà ông anh nuôi chiếc xe máy, mình bắt đầu rong ruổi theo hướng đường Võ Văn Kiệt. Mặt đường không đẹp lắm nhưng hai bên đường thì ấn tượng vì có khá nhiều quán ăn, quán nhậu với những cái tên rất muốn…nhậu ngay: Lưu Luyến, Tửu Lầu, Tới Bến… Đến vòng xoay Sóc Ruộng, quẹo trái theo đường 30/4 là đường hai chiều khá rộng như một đại lộ. Hành trình có đi ngang qua Cống đập Láng Thé thấy lạ lạ nên tìm hiểu thử.

Cống đập Láng Thé trên đường đi Cồn Hô
Cống đập Láng Thé trên đường đi Cồn Hô

Thì ra đây là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất nhì miền Tây trên dòng sông cùng tên (sông Láng Thé là một sông nhánh của dòng Cổ Chiên).Tác dụng của cống đập này là để ngăn chặn nước mặn xâm nhập nhất là vào mùa khô; nhờ đó mà giữ được nước ngọt cũng như thau chua rửa phèn tạo điều kiện cho ruộng đồng quanh năm xanh tốt. Có lẽ vì tầm quan trọng của công trình này với đời sống nhân dân ở địa phương nên hình ảnh của nó có xuất hiện trên banner trang web của Huyện Càng Long chăng!?

Đường đi Cồn Hô cứ cập theo bờ sông Cổ Chiên

Càng đi, con đường như dẫn dắt vào mê cung xanh, một phần vì ngoằn ngoèo, một phần vì xuyên qua liên tiếp những vườn dừa, những vườn cây ăn trái trĩu quả và rợp bóng mát. Băng ngang qua QL60 gần đầu cầu Cổ Chiên, ta chính thức lạc bước vào “vương quốc cói”.

Trên đường đi Cồn Hô thấy rất nhiều ruộng cói
Con đường cói

Phía dưới con đường là cánh đồng cói bạt ngàn. Còn trên đường là thế giới màu sắc của đỏ, tím, vàng…những vạt cói đã được người dân nhuộm để chuẩn bị làm ra những chiếc chiếc, tấm thảm hay những sản phẩm thủ công đẹp mắt khác.

 

Có một vương quốc cói đầy màu sắc trên đường đi Cồn Hô
Vương quốc cói đầy màu sắc

Vừa qua Cống Cái Hớp, nhìn phía tay phải thấy cái cổng chào Họ đạo Cá Hô. Quẹo vô đó chừng 200m để ý bên tay trái có cái đường nhỏ được người dân đắp đất ngay ngắn, đây là lối dẫn ra cầu tàu để qua Cồn Hô.

Cổng chào Nhà thờ Họ đạo Cá Hô
Cổng chào Nhà thờ Họ đạo Cá Hô

Điểm chạm đầu tiên – người Cồn Hô dễ thương vô cùng

Đang lơ ngơ ở cầu tàu chưa biết hỏi thăm ai để qua bển như thế nào, bằng gì vì lúc đó không thấy người dân nào. May sao nhìn phía dưới sông, đúng lúc nước ròng nên từ mặt cầu tàu nhìn xuống chắc gần 2m, thấy một anh đang lúi húi lau lau miếng gỗ, cái vừa để cố định chiều ngang xuồng, vừa làm băng ghế để ngồi. Hỏi thăm cách nào qua Cồn Hô, anh nói có “đò bao” nhưng phải gọi đặt và đợi qua đón, thôi thì đợi xíu anh cho quá giang qua. Cú chạm đầu tiên làm mình đã ưng cái bụng rồi đó.

Cầu tàu để qua Cồn Hô
Cầu tàu để qua Cồn Hô

Qua câu chuyện mới biết anh là chủ nhà Hai Nguyên, chính cái điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình trải nghiệm Cồn Hô theo đúng như lộ trình tham quan đã quy hoạch. Anh đang đợi con gái đi lấy chồng xa, nay cùng chàng rể ẵm con về thăm, có  ông sui đi cùng nữa nên anh chuẩn bị cho chu đáo cho phải phép. Cũng không phải chờ lâu, chừng vài phút sau là đón được khách với lỉnh kỉnh, ngoài ba lô cá nhân còn có các món hàng đãi khách phải mua từ đất liền vì trên cồn không có: nước đá, bia bọt, bình ga mini…Chưa đến 10 phút để vượt ngang sông Cổ Chiên là đến cồn. 

Dưới đây là những thông tin mang tính khái quát chung về Cồn Hô mình đã có viết trên trang chuyên miền Tây của bên mình. 

Bản đồ Cồn Hô
Bản đồ Cồn Hô

07 điều hay ho về Cồn Hô

  1. Tên gọi Cồn Hô. Người dân nơi đây giải thích rằng vì hình dáng giống như con cá hô nên đặt tên là Cồn Hô (hoặc Cồn Cá Hô). Còn theo chia sẻ của chú Ba Phi, người sống trên cồn từ sau 1975 thì hồi chú mới về cồn cá hô nhiều kinh khủng, chúng ken ngẹt trong các con mương chạy ngang cồn. Cá hô là loại cá nước ngọt thuộc họ cá chép, là đặc sản của dòng Mekong hùng vĩ. Loại cá này có kích thước lớn có thể nặng đến hàng trăm kg, quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện cá này được Ủy ban sông Mekong liệt vào sách đỏ. Đặc biệt, đây là cá biểu tượng của Campuchia. Về mặc hành chính, Cồn Hô thuộc ấp Mỹ Hiệp A, Xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
  2. Ngày trước, cồn này có đến 29ha đất. Nay bị sạt lở nhiều mà nguyên nhân nghe đâu do mấy chiếc xà lang bên bờ Vĩnh Long ngày đêm hút cát ầm ầm. Thực tế mình tận mắt thấy lở nhiều bên bờ phía ấy, đâu tới 20-30m. Hiện tại diện tích của cồn là khoảng 27ha thuộc sở hữu của 24 hộ. Tuy nhiên thực sống trên cồn chừng 10 hộ, còn lại là ngày làm đêm về.
  3. Cồn Hô có chiều ngang hẹp, nơi rộng nhất khoảng 300m, đầu và cuối cù lao bó vào như đầu và đuôi cá. Hầu hết các khoảnh đất vườn trải dài theo chiều ngang này, nghĩa là 2 mặt vườn của nhà nào phía trước sau cũng đều giáp với sông Cổ Chiên. Còn về chiều dài tính theo trục xương cá có cự ly chỉ khoảng 1,2km chạy dọc theo hướng chảy của dòng sông.
  4. Trên Cồn Hô không có xe cộ. Có một con đường chính nối từ đầu cồn đến cuối cồn, dài 1km cập bờ sông phía Trà Vinh. Con đường này vừa có chức năng để đi lại, vừa có vai trò như bờ đê để ngăn mỗi khi nước lớn tràn vô vườn. Vì diện tích cù lao nhỏ, các nhà gần bên nhau nên người dân trên này đi bộ là chính. 
  5. Theo thông tin chia sẻ của người dân thì hầu như các hộ hiện sống trên Cồn Hô có mối quan hệ họ hàng với nhau, hoặc chí ít là thân thiết gắn bó xưa giờ. Cuộc sống ở đây luôn chan hòa và gắn kết. Ngày xưa, hễ nhà nào có tiệc tùng, đám chạp, thậm chí mần con heo, con gà hoặc có món gì ngon là chỉ cần đứng bên này nhà gọi ới nhau sang là được, không cần kiểu cách. Theo họ, mỗi khi đi vắng đâu là không cần phải khói cửa nẻo, chứng tỏ an ninh trên cồn rất đảm bảo.
  6. Người dân trên Cồn Hô sinh nhai bằng nghề làm vườn. Nhà gắn với vườn, được làm ngay trên mảnh vườn của mình. Cây bưởi là loại cây trồng chính, chiếm diện tích nhiều nhất, đem lại nguồn thu chính của cồn. Ngoài còn có nhiều loại cây trái khác như cam, quýt, dừa, nhãn, đu đủ…Đời sống trên cồn tuy tách biệt, chưa có hạ tầng điện, đường…nhưng nhìn chung thu nhập cũng khá hơn so với mặt bằng nông thôn chung hiện nay ở miền Tây.
  7. Điện lưới Quốc gia chưa đến được đây, người dân Cồn Hô dùng năng lượng mặt trời, đèn dầu, hoặc đèn măng xông. 
Cổng chào Cồn Hô
Cổng chào Cồn Hô

Cồn Hô và những trải nghiệm thú vị

Các nhà quy hoạch Cồn Hô phát triển mô hình du lịch ở đây theo hướng “du lịch tự thân”. Nghe tên thuật ngữ này chắc sẽ khiến nhiều du khách thắc mắc và lạ, ít khi nghe. Theo mình hiểu thì như này nhé. Đây là mô hình làm du lịch dựa hoàn toàn vào những gì hiện đang có của người dân, của hoàn cảnh thực tại. Dưới sự tư vấn của các nhà chuyên môn, người dân tự đầu tư các hạ tầng cần thiết, đầu tư sản phẩm để phục vụ nhu cầu tham quan – trải nghiệm của du khách. Tài nguyên, nguyên liệu cũng là từ ưu tiên những thứ có sẵn trong vườn nhà, trên cù lao. Nhân sự cũng chính là những người nông dân miệt vườn chân chất nơi đây.

Chỉ dẫn tham quan trên Cồn Hô
Chỉ dẫn tham quan trên Cồn Hô

Mình liệt kê các trải nghiệm ở đây như sau:

  • Đến Cồn Hô là dấn thân vào các trải nghiệm ban sơ và chất nhất của đời sống miệt vườn miền Tây thời xa xưa.
  • Cồn Hô là một màu xanh của miệt vườn, luôn tươi mát, cây trái trĩu quả.
  • Một không gian sống tách biệt với đất liền, tách biệt với những ồn ào phố thị.
  • Không khí yên bình, tĩnh lặng, không xe cộ, khói bụi.
  • Con người hiền hòa, cởi mở, đôn hậu và rất hiếu khách.
  • Đến Cồn Hô là trở về với một thời nông thôn miền Tây xa xưa, nơi du khách dễ dàng bắt gặp các hình ảnh: đèn dầu, bếp củi, con đò, bến nước, trò chơi dân gian, chân trần lội sình…
  • Được thưởng thức cây trái miệt vườn, tươi ngon, được hái ngay từ trên cây.
  • Ẩm thực với các món ăn dân giã, được nấu từ nguyên liệu tại chỗ, cũng là những trải nghiệm không thể bỏ qua.
Bình yên Cồn Hô
Bình yên Cồn Hô

Quy trình tham quan Cồn Hô?

Các hộ gia đình trên Cồn Hô đăng ký cung cấp một trải nghiệm riêng để không bị trùng lặp. Thời gian ở mỗi điểm tham quan thường từ 30 – 40 phút. Du khách nên tham quan theo quy trình với thứ tự các điểm như sau:

  • Sau khi tàu cập vào một bến nhỏ ở đầu cồn, điểm đến đầu tiên sẽ là Nhà chú Hai Nguyên. Tại đây, du khách vừa được thưởng thức trà hoa đậu biếc, mứt dừa, đậu phộng luộc; trong khi đó nghe chủ nhà giới thiệu khái quát các thông tin về Cồn Hô.
Nhà Hai Nguyên - Cồn Hô
Nhà Hai Nguyên
  • Đi dọc con đường nhỏ ra phía sau nhà, băng qua khu vườn bưởi thoảng hương thơm phức. Đến một căn nhà nhỏ cạnh bờ sông, du khách trải nghiệm ngâm chân với các thảo dược cây nhà lá vườn được nấu theo công thức gia truyền ở Vườn thảo dược Hai Trải.
Vườn thảo dược Hai Trải - Cồn Hô
Vườn thảo dược Hai Trải
  • Lên đò, du khách xuôi dòng Cổ Chiên theo hướng về cuối cồn. Điểm đến tiếp theo là Nhà vườn Vũ Minh. Đây là điểm trải nghiệm các trò chơi dân gian rất quen thuộc với nông thôn miệt vườn: chèo xuồng ba lá, đá gà, câu cá. Cảm giác thật thú vị và thư giãn khi đong đưa trên những chiếc xích đu theo kiểu Ba li. Uống trái dừa xiêm ngọt ngào trong cái không khí trong lành để cảm nhận nhịp sống chầm chậm và bình yên của miệt vườn.
Không gian trải nghiệm ở Vườn Vũ Minh - Cồn Hô
Không gian trải nghiệm ở Vườn Vũ Minh
  • Kế đó, du khách theo con đường mòn ven sông để đi bộ ngược về hướng đầu cồn. Qua Nhà vườn Tư Khen để thưởng thức món chè bưởi nước cốt dừa thơm ngon, béo ngậy.
Nhà Tư Khen - Cồn Hô
Nhà Tư Khen
  • Qua nhà Tư Lập, xem quy trình nấu rượu truyền thống. Đặc biệt ở đây có những loại rượu ngâm các loại cây trái trên cồn tốt cho sức khỏe: rượu khổ qua, rượu chuối hột, rượu đủng đỉnh, rượu trái nhàu…
Rượu nhà Tư Lập - Cồn Hô
Rượu nhà Tư Lập
  • Tại điểm Đặc sản Ba Khải, du khách nhấm nháp các loại mứt đặc sản Cồn Hô như: mứt bưởi, chuối khô, mứt dừa…
  • Điểm cuối sẽ là Ẩm thực Ba Phi. Du khách thưởng thức các món ăn đặc sản miệt vườn được chế biển bởi đôi bàn tay khéo léo của Bác Ba gái. Nguyên liệu làm nên các món ăn này phần lớn được hái trong vườn, trên cồn, rất sạch và an toàn. Các món ăn tiêu biểu ở đây như: gỏi ngũ sắc, lẩu Ba Phi, vịt nấu chao…Đặc biệt, nếu tham quan vào buổi chiều tối, du khách sẽ được trải nghiệm trong cuộc sống không đèn điện, chỉ có ánh đèn măng – xông hay đèn dầu.
Nhà Ba Phi - Cồn Hô
Nhà Ba Phi

Tham quan Cồn Hô thời gian nào hợp lý?

Có thể đến tham quan Cồn Hô bất kể khi nào. Tuy nhiên, nếu có ít thời gian mà muốn trải nghiệm hết những điều lý thú ở đây thì du khách nên đến vào buổi chiều. Khi đó, ngoài việc tham quan các điểm ở trên, du khách còn có cơ hội chiêm ngóng cảnh chiều về với ánh hoàng hôn buông trên dòng Cổ Chiên thật thơ mộng. Ngoài ra, bên ánh đèn dầu heo hắt mà thời nay hiếm khi bắt gặp, du khách như được quay trở về lại những thời xa xưa nhiều khó khăn của cuộc sống. 

Đèn dầu ở Cồn Hô
Đèn dầu ở Cồn Hô

Thông tin đò qua Cồn Hô

Để đến được Cồn Hô từ đất liền, cách duy nhất là bằng đường sông với phương tiện ghe xuồng. Với các hộ gia đình thì nhà nào cũng có ghe xuồng riêng để qua lại đất liền, đi học, đi chợ, đi chơi. Với khách du lịch đến tham quan Cồn Hô, người dân có cung cấp các tàu theo dạng thuê riêng. Có tàu nhỏ đi được khoảng 06 – 08 khách/lượt. Giá thuê nguyên chiếc tầm 200.000đ/chuyến. Nếu nhóm khách lớn du khách có thể thuê tàu lớn có sức chứa đến 30 – 40 khách/lượt. Giá thuê loại tàu này tầm 500.000đ/chuyến. Thời gian từ đất liền qua cồn khoảng 05 phút. 

Vì không phải lúc nào cũng thường trực đón, du khách nên liên hệ trước với chủ tàu để sắp xếp. Liên hệ Anh Phong: 0949.434.048 – 0789.567.621.

Không gian xưa cũ ở Cồn Hô

Không gian xưa cũ ở Cồn Hô

Trải nghiệm Cồn Hô theo cách của mình

Chiếc xuồng cập bến. Cả nhà anh cho mình đi nhờ đã chờ sẵn ở cầu tàu vừa mới nâng cấp để đón tàu chở khách du lịch. Sau vài cái nhìn ra điều thắc mắc về vị khách lạ hoắc là mình, mình nhận ra và chủ động giới thiệu trước nên mọi người cũng đã hiểu ra mục đích. Mọi người trong nhà rất nhiệt tình chỉ dẫn, rồi hú chị Hai Trải nhà bên cạnh ra đón và dẫn mình đi tham quan công trình làm du lịch của nhà chị. Băng qua con đường bờ mương đến cuối vườn, nơi đó có sẵn một cái chòi mới cất xong dùng làm điểm ngâm chân thảo dược. Chị say sưa kể cơ duyên, định hướng, những việc dự định sẽ làm trong thời tới. Một nông dân miệt vườn chánh hiệu, chắc cũng chưa từng đi du lịch đúng nghĩa, thế mà qua tâm sự của chị, mình thấy lòng nhiệt huyết đáng ngưỡng mộ. Còn nữa, với thái độ tận tình, ân cần, chu đáo…mình nghĩ đây chính là tài nguyên quý giá nhất để chị sẽ thành công trong cái sự nghiệp du lịch tự dưng “từ trên trời rơi xuống” này. Mình nói như vậy vì có lẽ vài tháng trước du lịch chưa có, chưa bao giờ cập bến Cồn Hô đâu. Vậy đấy, mới gặp lần đầu mà cảm giác như đang đứng trước bà chị gái háo hức huyên thuyên đủ điều với thằng em trai đi xa 18 năm mới gặp lại.

Chị Hai Trải đây nhé
Chị Hai Trải đây nhé

Từ nhà chị, để đi tiếp phải ngang qua nhà anh Hai Nguyên. Anh dặn: “đi hết cồn rồi phải quay lại nha chiến hữu, nhà đang mần mồi bén đây”. Mình thấy anh đang bắt nồi nước sôi, ông con rể thì mài dao, còn trong cái bao tải bên cạnh có con gì đang ngọ nguậy. Trời, nghe thôi đã vững bụng chiến sĩ rồi nha.

Đang say sưa hái hoa bắt bướm, giọng một chú từ trong nhà vọng ra: “ở đâu xuống chơi đó bây, ghé vô làm bậy ly coi?”. Nhìn vô thì thấy có 06 thành viên đang ngồi quanh chiếc bàn tròn kê ngoài hè, đang nhậu. À, thì trải nghiệm mà, phải dấn thân thôi, ta ngại gì vì đây là…đất miền Tây, nhiệt tình mới là lịch sự. Hỏi ra biết hôm nay nhà chị bé Thang có khách từ cù lao Dài vừa bơi xuồng qua thăm nên bữa tiệc thết đãi đã được chuẩn bị cấp tốc. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, đang đói lại được ăn, báo hiệu một ngày trúng mánh đây. Chu choa ơi, toàn sản vật từ cây nhà lá vườn, nào là ếch đồng nướng mọi, tôm sông, gà vườn, bưởi, quýt…Mình giở giọng ngợi ca để cầm đũa đỡ…mắc cỡ. Một hồi, chú Ba, người có tuổi nhất bữa tiệc mới nói: “chưa đã đâu bây, cái này mới là đệ nhất nè, rượu ngâm trái đủng đỉnh, cái này ông uống cả xóm khen nghe”. Thế rồi, qua vài vòng tua của cái ly song hỷ (ở miền Tây thấy toàn uống rượu bằng ly đặc trưng này), những câu chuyện về làm vườn, về những vị khách từng đến, về các món ăn, về gốc gác…được cả nhà không chút ngần ngại mà chia sẻ, kể rất nhiệt tình. Rồi rồi, chuyến đi coi như được thu hoạch đậm đây.

Bữa tiệc nhà chị Út Thang đây
Bữa tiệc nhà chị Út Thang đây

Khi thấy cái bụng cũng đã đổ bê tông kha khá rồi thì mình xin được đi tiếp. Vẫn như nhà trước: “lát nhớ ghé lại làm tiếp nha bây”.

Theo con đường độc đạo trên cồn, mình tiếp tục ghé vào nhà chú Ba Phi. Nhà chú gần như nằm ở đoạn giữa của Cồn Hô. Nơi đây được bố trí là điểm dừng chân để thưởng thức ẩm thực cho nên không gian cũng rộng lớn, có hẳn nhà vệ sinh tươm tất và sạch sẽ. Trong khi thím Ba đang lúi húi trong bếp để chuẩn bị bữa ăn cho một nhóm khách đã đặt trước, thì chú Ba dẫn chúng tôi đi tham quan phía sau. Chú nói: “bả muốn làm cho vui thì tao cũng ráng theo, chứ sức khỏe tao cũng yếu rồi”. Đúng là làm cho vui thật chứ miếng vườn trồng bưởi da xanh cũng giúp gia đình hàng tháng thu nhập cứng trên 30 triệu rồi, chưa kể các loại cây trái khác, rồi các anh con trai chạy đò qua lại. Nhưng đã làm là phải có tâm và chỉnh chu. Chú cho hay phải dọn miếng vườn làm cái nhà hàng. Thấy góc này, chỗ nọ chưa ứng thì cứ mua thêm đồ về làm sao cho coi được, rồi cứ điều chỉnh, cứ thêm. Thành thử chi phí bỏ ra cho thỏa cái lòng bị đội lên khá nhiều so với dự tính ban đầu, nhưng làm được cũng thấy vui vui.

Cây nhà lá vườn của Cồn Hô
Cây nhà lá vườn

Nhà kế tiếp là của các hộ Ba Khải, Tư Lập, Tư Khen. Vô đến đâu cũng nhận được sự niềm nở và ân cần, mình hỏi gì cũng chia sẻ thật tình. Đến nhà cuối cồn là của anh Tư Minh. Hai vợ chồng còn khá trẻ nên mình cảm nhận được sự mạnh mẽ và nhanh nhạy trong việc cải tạo vườn tược để đón khách du lịch. Đến nơi vừa kịp lúc chị đi xuồng qua đất liền đón nhỏ con về vì phải gửi trọ bên đó để học. Được chủ nhà dẫn đi một vòng, vừa liến thoắng giới thiệu nào là khu nhà mát làm chỗ nghỉ chân, trà nước, cũng đã chỉnh sửa vài lần mới vừa ý; nhà còn làm xích đu theo phong cách Bali để khách thử cảm giác mạnh bay trên không trung, trên như sắp chạm ngọn dừa, dưới thì mương đầy nước. Bên cạnh đó là không gian để trải nghiệm chèo xuồng ba lá, tát mương bắt cá.

Hình ảnh chân phương ở Cồn Hô
Một hình ảnh chân phương

Quay trở lại nhà chú Ba Phi, vừa lúc thím dọn bữa trưa lên cho nhóm khách khác đã đặt. Mình không có đặt trước nhưng hình như hôm đó là ngày tốt hay sao ấy, lại một may mắn nữa là nhóm khách kia không ai khác mà là đồng nghiệp một vài công ty cũng khảo sát như mình. Thế là tay bắt mặt mừng rồi cứ tự nhiên mà sáp vô để…trải nghiệm ẩm thực. Được giới thiệu là hay đi nấu các đám ở trong vùng vì có khiếu ẩm thực, thím Ba được chọn là đầu bếp chính để thết đãi các món đặc sản mang đậm hương vị Cồn Hô cho du khách khi đến đây. Lại một ngạc nhiên nữa, cơ duyên du lịch từ trên trời mới vừa rơi xuống nhưng thím nắm bắt rất nhanh. Thím tâm sự rằng phải ưu tiên chọn những nguyên vật liệu có sẵn trong vườn trên cồn vì sẽ chủ động nguồn cung, vừa để…du khách họ ăn xong còn nhớ đến mình. Hôm đó mình đã được thưởng thức nhiều món nhưng nhớ nhất là món gỏi ngũ sắc rất ngon, món lẩu chua nấu cá được mọi người hứng chí đặt tên là Lẩu Ba Phi luôn cho dễ nhớ. Đu đưa một hồi cũng hết chai rượu khổ qua của nhà anh Tư Lập, vừa đầu xế chiều.

Món gỏi ngũ sắc của thím Ba Phi
Món gỏi ngũ sắc của thím Ba Phi

Cơm no, rượu say, đành phải hẹn với nơi này trong lần trở lại gần nhất trong sự nuối tiếc với những ý định trải nghiệm dở dang: được chiêm ngưỡng hoàng hôn buông và ăn bữa cơm tối trong ánh đèn dầu leo lét, hay ngắm lập lòe đom đóm đậu đầy nhánh bần gie. 

Nhất định, nếu phải chọn một nơi để kể về miền Tây ngay lúc này, thì chắc chắn tôi sẽ nói đến Cồn Hô, một báu vật của đất Trà Vinh.     

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *