Ngỡ ngàng trước di sản đương đại Vương quốc lò gạch Vĩnh Long

Các lò gạch ở Vĩnh Long thường nằm cạnh sông

Một sáng đẹp trời giữa tháng 9 (2020), tôi đã thật sự ngỡ ngàng khi chạm đến một nơi mà sắp tới sẽ trở thành di sản đương đại. Nơi tôi muốn nói đến chính là Vương quốc lò gạch ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Trước đó, chưa bao giờ, và chắc chắn rồi, đây là lần đầu tiên cùng lúc nhìn thấy nhiều lò gạch đến thế. Hàng trăm. Không phải, là hàng ngàn cái khối hình trụ, cao thấp, nhiều màu, nhấp nhô và xen kẽ đã ngoan ngoãn xếp hàng dọc theo trục kênh Thầy Cai tự khi nào. Thật là vô cùng ngoạn mục các bạn à!

Vương quốc lò gạch Vĩnh Long
Vương quốc lò gạch Vĩnh Long – Ảnh: Sưu tầm

Vương quốc lò gạch Vĩnh Long đã có từ lâu

Theo lời giới thiệu của các anh chị bên Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Long thì nghề làm gạch ngói ở địa phương đã có từ hàng trăm năm nay. Từ vài chục lò gạch khoảng đầu thế kỷ XIX, thì đến những năm 80 của thế kỷ trước, là giai đoạn cực thịnh của nghề này khi có đến hơn 3.000 lò gạch đêm ngày đỏ lửa. Khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất cùng nhiều lò nung nhất là ở huyện Mang Thít, có lẽ vì thế nơi đây được mệnh danh là “Vương quốc lò gạch”. Tuy nhiên, từ những năm 2000, với sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương pháp làm gạch ngói mới đã ra đời. Trong khi phương pháp cũ, với cách nung gạch phải dùng trấu và củi đốt thì khá tốn kém và thải ra một lượng khói rất lớn làm ô nhiễm môi trường. Chính vì thế mà Nhà nước đã có những chính sách nhằm hạn chế cách làm gạch ngói thủ công theo cách truyền thống trước nay. Cho đến ngày nay, Vương quốc lò gạch Mang Thít – Vĩnh Long chỉ còn hơn 1.000 lò nung, cái còn hoạt động, cái đã dừng và có nguy cơ bị phá hủy.

Còn hơn 1000 lò nung ở Vương quốc lò gạch Vĩnh Long
Còn hơn 1000 lò nung ở Vương quốc lò gạch Vĩnh Long

Đột nhật Vương quốc lò gạch Vĩnh Long

Từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, xe đưa đoàn chúng tôi theo trục đường DT902 cập theo bờ hữu sông Cổ Chiên. Đi khoảng 10km, đến chân Cầu Thầy Cai thì xe dừng để chúng tôi di chuyển xuống chiếc tàu chuyên chở khách du lịch đã đợi sẵn. Chỉ vài phút di chuyển đã thấy hình ảnh các lò gạch hiện ra. Một cái riêng lẻ, cụm 3 cái, 5 cái, rồi…đếm không xuể. Nhiều thành viên trong đoàn cũng giống như tôi, ngạc nhiên và cảm thán “Ôi sao mà nhiều đến thế!”. Đây quả rất chính xác với danh hiệu “Vương quốc lò gạch”.

Các lò gạch ở Vĩnh Long thường nằm cạnh sông
Các lò gạch ở Vĩnh Long thường nằm cạnh sông – Ảnh: Sưu tầm

Điều dễ nhận ra là hầu như các lò gạch này nằm ngay cơ sở sản xuất, đa phần là cạnh ven sông, chứ nhìn phía trong sâu hơn nữa hầu như không thấy. Có lẽ một lý do rất “miền Tây”, một đặc trưng ứng xử của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long với môi trường sông nước, kênh rạch chằng chịt: nhất cận giang. Gần sông thì sẽ thuận tiện cho việc nhập nguyên vật liệu, cũng như khi ra sản phẩm rồi thì dễ dàng và nhanh chóng để bốc dỡ lên tàu đi xuôi ngược cung cấp cho khắp nơi.

Khám phá Vương quốc lò gạch Vĩnh Long và nghề sản xuất gạch ngói Mang Thít

Tàu ghé ngẫu nhiên vào một cơ sở đang hoạt động. Trước khi ra các lò gạch, chúng tôi đi qua khoảng sân khá rộng có mái che. Đây là không gian để chứa các vật dụng, dụng cụ liên quan, những thành phẩm đang chất đống hay những bao trấu vừa tập kết. Đương nhiên, sự quan tâm của hầu hết mọi người là cái chỗ đang đỏ rực lửa kia: cửa của một lò đang nung gạch. Nơi đó có đôi vợ chồng trẻ đang ngồi canh miệt mài. Không phải vài giờ, một hay vài ngày, mà cả tháng có khi hơn. Bắt chuyện, chúng tôi mới vỡ lẽ để có những viên gạch tạo nên ngôi nhà vững chắc, che chở mưa nắng hàng ngày cho chúng ta lại phải trải qua một quá trình hình thành phức tạp và lâu dài đến thế.

Trấu là chất đốt chính để nung gạch
Trấu là chất đốt chính để nung gạch – Ảnh: Sưu tầm

Ở Vương quốc gạch Vĩnh Long thường sản xuất các loại gạch ống, gạch thẻ, gạch tàu. Đầu tiên, các cơ sở sản xuất phải kiếm nguồn đất sét pha tốt. Rồi đến các công đoạn nhào đất, cho vào máy đóng khung, rồi đem phơi. Ngày xưa hầu như những công đoạn này đều làm thủ công tay chân với bao thấm đẫm mồ hôi của người thợ. Ngày nay thì đã có máy móc nên sẽ đỡ vất vả và năng suất sẽ cao hơn, chất lượng đều hơn. 

Để chính thức khai sinh một viên gạch hoàn chỉnh, ly kỳ nhất phải kể đến là công đoạn nung. Nhằm tập trung nhiệt độ ở một mức cao đảm bảo cho viên gạch đủ lửa, đủ “chín” thì người ta phải xây nên những cái lò nung. Tùy mỗi địa phương sẽ có hình dáng lò nung khác nhau. Ví dụ một số nơi miền Trung lò gạch được làm theo kiểu tựa tựa một ngôi cổ lầu. Còn riêng ở Vương quốc lò gạch Mang Thít – Vĩnh Long thì lò gạch có hình trụ, tròn, nhìn xa trông giống như những ngôi tháp của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Lò gạch được làm bằng vật liệu chính cũng từ gạch, có đến hàng trăm nghìn viên xếp chồng lên nhau. Mỗi lò có độ cao khoảng từ 9 – 13m, phía dưới chân dày và to với đường kính tầm 6 – 8m. Càng lên cao thì tường gạch mỏng hơn, đường kính nhỏ hơn, đến phần chóp thì chỉ còn một khoảng rộng cỡ bằng chiếc mâm ăn cơm để thoát khói ra ngoài.

Cận cảnh bên trong lò gạch
Cận cảnh bên trong lò gạch – Ảnh: Sưu tầm

Chất đốt chính cho các lò gạch ở Vĩnh Long là trấu. Mỗi mẽ nung sẽ có thời gian nung khác nhau, số lượng gạch khác nhau, điều đó phụ thuộc vào loại gạch nào. Chẳng hạn, gạch tàu là tốn diện tích nhất nên mỗi mẽ chỉ nung được tầm 100.000 viên/lò, phải dùng đến khoảng 30 tấn trấu để đốt liên tục trong vòng…03 tháng. Các loại gạch còn lại như gạch ống, gạch thẻ có kích thước nhỏ hơn thường sẽ nung được nhiều hơn, thời gian ít hơn.

Đi tham quan Vương quốc lò gạch Vĩnh Long để làm gì?

Vẻ đẹp huyền ảo của Vương quốc lò gạch
Vẻ đẹp huyền ảo của Vương quốc lò gạch – Ảnh: Sưu tầm

Ngoài việc tìm hiểu sự hình thành và “nỗi đớn đau” của một viên gạch đã phải chịu để được độ cứng cáp giúp ngôi nhà chúng ta vững chãi, như đã kể ở trên. Để cuộc ghé thăm không tẻ nhạt, du khách nên tham gia trải nghiệm công việc của một người công nhân làm gạch ngói là như thế nào. Thử đi, bằng đôi bàn tay trần nhào nặn cục đất sét, bưng một mẻ gạch xếp vô lò, hay đơn giản là ngồi cạnh miệng lò để canh lửa xem nó nóng như thế nào…Những việc ấy sẽ giúp du khách cảm nhận sự vất vả của một cuộc mưu sinh đã góp phần tạo ra sự yên ấm cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Có thể lắm chứ, ngôi nhà chúng ta đang ở, ngôi trường chúng ta đã học, lối nhỏ chúng ta từng đi, được xây dựng nên bởi những viên gạch được ra lò từ lò nung có tuổi đời hơn thế kỷ ven dòng Cổ Chiên, Thầy Cai này.

Cảnh xếp gạch thành hàng
Cảnh xếp gạch thành hàng – Ảnh: Sưu tầm

Chắc chắn rồi, cho đến hôm nay Vương quốc lò gạch Vĩnh Long nổi tiếng là nhờ những bức ảnh. Dù sao đi nữa trực quan sinh động vẫn mau chóng đi vào lòng người, nhanh và dễ dàng nhất. Với tấm hình được chụp bên những lò gạch khổng lồ dù đỏ au hay đã ngả màu nâu, màu đen, thậm chí bám xanh rêu của thời gian; là những phông nền nổi bật và tuyệt vời nhất. Đến đây vào lúc bình minh sáng sớm hay hoàng hôn của chiều muộn, những vạt nắng vàng sẽ tô thêm vẻ huyền ảo, biến lò gạch tưởng chừng vô trì thành tuyệt tác kiến trúc. Cho dù tất cả đó căn nguyên chỉ là phương thức công việc, được làm bằng đôi tay trần của những người thợ bình dân bản địa.

Kỳ ảo Vương quốc lò gạch Vĩnh Long
Kỳ ảo Vương quốc lò gạch Vĩnh Long – Ảnh: Sưu tầm

Vương quốc lò gạch Vĩnh Long sẽ là Di sản đương đại

Nghề làm gạch ngói theo lối truyền thống đang dần mai một. Trước những lựa chọn của cuộc sống, lẽ đương nhiên người dân phải tìm sinh kế mới cho mình. Trong không gian 3.000ha với hơn 1.000 lò gạch cũ – mới, lớn – nhỏ dọc theo sông Cổ Chiên, kênh Thầy Cai, kênh Hòa Mỹ của xứ Mang Thít có nguy cơ bị xóa sổ. Thấy được giá trị của khối tài sản, di sản ấy; với tầm nhìn của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, sự đồng thuận của người dân địa phương, các chuyên gia tâm huyết đã hình thành nên đề án “Di sản đương đại Mang Thít”.

Một góc Vươn quốc lò gạch
Một góc Vươn quốc lò gạch

Đề án này được hình thành với nguyên tắc tôn trọng tối đa những gì đang có, hạn chế những tác động làm xáo trộn hay ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của cư dân địa phương. Nếu triển khai thành công thì không lâu nữa Vương quốc lò gạch Vĩnh Long sẽ trở thành điểm tham quan rất độc đáo và hấp dẫn. Khi đó, khối di sản này sẽ trở thành nơi lưu trú, nơi tham quan, làm nhà hàng để thưởng thức những món ngon địa phương… Quan trọng hơn, đây là biểu tượng cho đôi bàn tay và khối óc, một nền kỹ nghệ phát triển; một sự giao thoa về văn hóa đa sắc, đa dạng của các cộng đồng Việt – Khmer – Hoa đang cộng cư thuận hòa tại nơi đây.

Tham khảo bài viết khác liên quan Vương quốc lò gạch Vĩnh Long tại đây.

Chuyến ghé thăm Di sản đương đại Vương quốc lò gạch Vĩnh Long đối với người làm sản phẩm du lịch như tôi thật bổ ích. Nó không những giúp tôi thêm sự trải nghiệm, thêm sự hiểu biết, mạnh dạn hình thành thêm những tuyến điểm để du lịch miền Tây không bị coi là đơn điệu, trùng lắp. Chuyến đi còn giúp tôi có thêm những cảm hứng với cuộc sống, chịu khó nhìn rộng hơn, sâu hơn với suy nghĩ: giá trị không phải chỉ từ những thứ đã qua, mà có khi là những thứ đang còn diễn ra, là “đương đại”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Mục lục