Wellness tourism (du lịch sức khỏe), tất tật những gì cần biết

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Du lịch chăm sóc sức khỏe toàn diện (Wellness tourism) là loại hình du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Theo các nhận định, đây sẽ là xu hướng đi du lịch được lựa chọn hàng đầu của du khách thời kỳ hậu dịch covid-19.  Mặc dù đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì dường như còn khá mới mẻ. Bài viết này Điệp tích cóp tư liệu từ nhiều nguồn, chỉ mong góp một phần chia sẻ để mọi người hiểu thêm.

Du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness tourism) là gì?

Wellness tourism được dịch theo tiếng Việt là “du lịch chăm sóc sức khỏe”. Ngắn gọn vậy nên chắc là chưa chuyển tải hết nội hàm và ý nghĩa của thuật ngữ này. Có lẽ vì thế mà nhiều người lầm tưởng nó cũng giống như hình thức du lịch chữa bệnh. Sự thật là có khác nhau lắm, mình cùng phân tích ngô khoai thử xem như nào nhé cả nhà.

Wellness tourism được dịch theo tiếng Việt là “du lịch chăm sóc sức khỏe”
Wellness tourism được dịch theo tiếng Việt là “du lịch chăm sóc sức khỏe”

Du lịch chăm sóc sức khỏe là sự kết hợp của 2 mảng Wellness và Tourism

Tên loại hình du lịch này rõ ràng là gồm 2 vế: wellness và tourism ghép lại. Đây là 2 mảng ngành mà hồi xưa tưởng chừng không ăn nhập gì với nhau. Nhưng giờ là một cụm từ đứng bên nhau, và tương lai nó sẽ là một xu hướng tất yếu của du lịch!

“Tourism” thì ai cũng biết rồi phải không!?

Còn “Wellness” là gì? Các tài liệu Điệp đọc được cho rằng từ này có nguồn gốc từ thời cổ đại xa xưa lận. Đó là trạng thái khỏe mạnh! Nó là sự tổng hòa và toàn diện, bao gồm sự kết hợp yếu tố Thể chất (healthy) và Tinh thần (spiritual). Nói theo ngôn ngữ Đông phương thì chính là sự hòa hợp các yếu tố Thân – Tâm – Trí. Để đạt được trạng thái wellness là cả quá trình chủ động lựa chọn và hành động liên tục của mỗi con người.

Wellness là trạng thái khỏe mạnh, gồm yếu tố Thể chất và Tinh thần
Wellness là trạng thái khỏe mạnh, gồm yếu tố Thể chất và Tinh thần

Du lịch chăm sóc sức khỏe được định nghĩa như thế nào?

Vậy tóm lại du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism) là gì? Theo ý của WTA (Wellness Tourism Association):

Đây là hình thức trải nghiệm du lịch giúp cho con người duy trì, nâng cao hoặc bắt đầu một lối sống lành mạnh, đồng thời mang đến giác hạnh phúc trong cuộc sống.

Dễ hiểu hơn, wellness tourism là hình thức kết hợp giữa du lịch với các trải nghiệm, các hoạt động nghỉ dưỡng; chăm sóc, nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần.

Wellness tourism là du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe toàn diện
Wellness tourism là du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe toàn diện

Wellness tourism (Du lịch chăm sóc sức khỏe) có từ khi nào?

Các ý niệm về chăm sóc sức khỏe và tinh thần một cách toàn diện xuất hiện từ xa xưa, nó đã tồn tại trong các nền văn minh cổ đại trên trái đất này. Thuật ngữ wellness được ghi nhận lần đầu tiên là khoảng giữa thế kỷ 17 trong cuốn từ điển Oxford English Dictionary, chính xác là năm 1650.

Đến khoảng thập niên 60 và 70, wellness mới bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong các cuốn sách và các công trình nghiên cứu. Đó là các ý tưởng và phương pháp về chăm sóc sức khỏe toàn diện, khác với các cách truyền thống thông thường. 

Không đâu khác, lưu trú chính là nơi thích hợp nhất cho việc triển khai loại hình du lịch sức khỏe hiện đại. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đánh dấu sự ra đời của thương hiệu Canyon Ranch tại Tucson, Bang Arizona. Đây là mô hình kết hợp nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe tổng thể đầu tiên trên thế giới.

Mặc dù thời gian đầu người ta còn hồ nghi và khó chấp nhận cái gọi là lối sống wellness. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển với nhiều hệ lụy và vấn đề liên quan đến sức khỏe. Con người ngày càng nhận thấy tầm quan trọng và quan tâm nhiều hơn đến lối sống của mình.

Cơn đại dịch Covid-19 tràn qua, sức khỏe và miễn dịch là mối quan tâm hàng đầu hiện nay. Đây là những tiền đề để wellness tourism phát triển và sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng cơ cấu doanh thu du lịch toàn cầu. 

Du lịch chăm sóc sức khỏe (Wellness tourism) không phải là du lịch chữa bệnh

Như phần trên có nhắc qua chuyện nhiều người lầm tưởng du lịch sức khỏe chẳng qua cũng như du lịch chữa bệnh. Điều đó là không đúng nha. Trước hết, mình giải thích về loại hình du lịch chữa bệnh.

Trong thuật ngữ, du lịch chữa bệnh tiếng Anh là “medical tourism”. Khi bạn có bệnh trong người, bạn muốn đi đến những nơi có điều kiện y tế tốt để chữa bệnh. Ở đó có phòng khám/ bệnh viện tốt, bác sĩ giỏi, dịch vụ chăm sóc tuyệt vời hoặc những điều kiện nào đó phù hợp với mong muốn của bạn. Những nơi này có thể là các thành phố, vùng miền khác trong nước; hoặc là đến những quốc gia/ lãnh thổ có nền y học phát triển. Khi đó bạn tiến hành một chuyến đi, có thể kết hợp với du lịch; nhưng mục đích chính là khám chữa bệnh. Bạn sẽ phải trải qua quá trình can thiệp về y khoa như: thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh theo pháp đồ của các bác sĩ…

Ví dụ: Người Việt Nam hay đi Singapore để chữa ung thư. Ngược lại, nhiều người nước ngoài đến Việt Nam để khám chữa răng.

Vậy thì Du lịch chăm sóc sức khỏe) có đặc điểm gì?

Như trình bày và ví dụ ở phần trên chắc các bạn hiểu được loại hình du lịch chữa bệnh rồi ha. Với những đặc điểm sau đây, bạn sẽ thấy du lịch sức khỏe (wellness tourism) nó khác hoàn toàn.

Du lịch chăm sóc sức khỏe là quá trình chăm sóc toàn diện

Wellness tourism là chuyến đi để chăm sóc toàn diện với các hoạt động liên quan đến mọi ngóc ngách của cuộc sống một con người. Đó là:

  • Chăm sóc về thể chất để được một cơ thể khỏe mạnh, có hệ miễn dịch và đề kháng tốt. Đó là các hoạt động liên quan đến chế độ dinh dưỡng, các bài tập yoga, điều chỉnh giấc ngủ…
  • Các hoạt động về chăm sóc tinh thần, cảm xúc, tình cảm. Chẳng hạn như các bài học về sự buông bỏ, sự vị tha, biết cách chấp nhận, cách giải quyết vấn đề…
  • Các hoạt động liên quan đến hoạt động xã hội như thiện nguyện, tham gia các cộng đồng, thể hiện trách nhiệm với xã hội, sự cho đi, bảo vệ môi trường sống…
  • Các khía cạnh này của cuộc sống phải được cân bằng hài hòa. Khi mọi thứ được kết hợp tốt, cảm giác bình yên, hạnh phúc sẽ đến với mọi người.
Yoga là một trong những trải nghiệm tiêu điểm trong wellness tourism
Yoga là một trong những trải nghiệm tiêu điểm trong wellness tourism

Du lịch sức khỏe wellness là sự chủ động và cả một hành trình

Không phải đợi đến khi có bệnh mới tham gia du lịch sức khỏe. Bạn phải có ý thức và thái độ tích cực với cơ thể mình, với sức khỏe cùng đời sống tinh thần của mình. Từ đó, bạn sẽ chủ động tìm kiếm và lựa chọn cho mình các kế hoạch, chương trình hành động phù hợp. Bạn tham gia vào đó với mong muốn làm sao hạn chế và ngăn ngừa bệnh tật, cải thiện lối sống lành mạnh hơn, tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống tốt hơn. 

Du lịch wellness sẽ mang đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống; những điều này sẽ cho chúng ta trạng thái và cảm giác hạnh phúc. Như người ta hay nói: “hạnh phúc là một cuộc hành trình”; nên để đạt được nó chúng ta phải không ngừng theo đuổi và nỗ lực đạt được nó!

Chân dung khách Du lịch chă m sóc sức khỏe (Wellness tourism)

Wellness tourism (Du lịch sức khỏe) dành cho ai?

Bất cứ ai cũng cần du lịch wellness, vì sức khỏe và hạnh phúc là những kỳ vọng cố hữu mong đạt đến của mỗi con người chúng ta. Quả thật, các chương trình và tiện ích để phục vụ nhu cầu du lịch wellness là khá đắt đỏ, có thể gọi là dịch vụ cao cấp. Nhưng không phải vì vậy mà loại hình du lịch này chỉ dành cho giới thượng lưu. Ngày nay, du lịch chăm sóc sức khỏe dần trở thành đại chúng và có nhiều dịch vụ hơn để đáp ứng đa dạng các nhu cầu. Tùy vào động cơ, sở thích và khả năng kinh tế, khách hàng có thể lựa chọn hình thức thích hợp nhất với mình.

Wellness tourism dần thành loại hình du lịch nên phổ biến
Wellness tourism dần thành loại hình du lịch nên phổ biến

Wellness tourism (Du lịch sức khỏe) cần mục tiêu không?

Wellness là cả một quá trình gồm nhiều giai đoạn. Để hoàn thành từng giai đoạn đó cần có những mục tiêu riêng. Mỗi con người lại có những đặc điểm khác nhau, nên sẽ có những giai đoạn và mục tiêu khác nhau. Mỗi một hành trình du lịch chăm sóc sức khỏe có thể đáp ứng được một hoặc một vài mục tiêu khác nhau. Dưới đây là thống kê một số mục tiêu thường thấy của khách khi tham quan các chuyến wellness tourism:

  • Mục tiêu tái tạo năng lượng, “sạc pin” sau một thời gian dài làm việc cật lực, tổn hao nhiều sức khỏe.
  • Mục tiêu du lịch sức khỏe đơn giản chỉ “xả stress” với các hoạt động tĩnh tâm, các địa điểm yên bình, gần gũi thiên nhiên.
  • Du lịch sức khỏe để tham gia các chương trình thực dưỡng, tìm hiểu và ăn uống những thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe.
  • Tham gia các chuyên đề wellness như khóa thiền, khí công, tu tập.
  • Mục tiêu du lịch sức khỏe với các khóa liên quan đến sự vận động, tập luyện, tăng cường sức khỏe, giảm cân.
  • Tham gia các chương trình hội thảo, các khóa học nói về tiềm thức, soi rọi bản thân, tìm về bản ngã, lắng đọng và hiểu về chính mình. Kỳ vọng sau chuyến đi sẽ có những thái độ sống tích cực hơn, khát khao và cống hiến hơn.
  • Các chuyến thiện nguyện, làm việc ý nghĩa, gắn kết với những người – cộng đồng cùng tần số, chí hướng.
Wellness tourism (Du lịch sức khỏe) sẽ là xu hướng 2022
Wellness tourism (Du lịch sức khỏe) sẽ là xu hướng 2022

Các nhóm khách đi du lịch wellness

Dựa trên nhu cầu cũng như mục tiêu, về cơ bản có 02 nhóm khách tham gia du lịch sức khỏe (wellness tourism) như sau:

Nhóm khách xem wellness là một phần của chuyến đi

Khách đi du lịch với nhiều mục đích, trong đó có kết hợp tham gia trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chẳng hạn như: chuyến đi của du khách ngoài mục đích du lịch thông thường như khám phá, công tác, thăm thân…; thì họ có thể tham gia thêm vào các trải nghiệm nhằm nâng cao sức khỏe. Ví dụ: du khách có thể ngâm bùn khoáng, massage trị liệu…Dạng khách nhóm này thường là những người mới bắt đầu quan tâm đến wellness.

Nhóm khách xem wellness là nội dung chính của chuyến đi

Nhóm khách này thường là những người đã có hiểu biết, thường xuyên tham gia và duy trì wellness. Khách đi du lịch với mục đích chăm sóc sức khỏe là nội dung chính, xuyên suốt. Nghĩa là mọi hoạt động, trải nghiệm trong chuyến đi được thiết kế điều vì mục đích chăm sóc sức khỏe và tinh thần.

Việc phân loại nhóm du khách như trên chỉ có ý nghĩa tại một trường hợp nhất định. Theo thời gian, có thể chuyến đi này du khách thuộc nhóm 1; những chuyến đi sau vì nhu cầu tăng lên, họ có thể là thành viên của nhóm 2.

Trải nghiệm Du lịch chă  sóc sức khỏe bằng cách nào?

Để trải nghiệm hoạt động du lịch sức khỏe, có thể tham gia bằng các cách như sau:

Dịch vụ du lịch wellness tại điểm đến

Các điểm đến có lẽ là những nơi đầu tiên – tiên phong trong việc cung cấp các dịch vụ dành cho trải nghiệm chăm sóc sức khỏe wellness.

Điểm đến mà Điệp đề cập ở đây có thể là:

  • Khu khu nghỉ dưỡng chuyên về các dịch vụ, trải nghiệm chăm sóc sức khỏe. Các khu du lịch ngoài các hạng mục để tham quan ngoài còn có kết hợp dịch vụ wellness và có khi cả lưu trú. 
  • Các cơ sở lưu trú thiên về nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe (retreat/resort wellness). Hoặc các khách sạn, resort có tích hợp một số dịch vụ spa, phòng gym…

Du khách ban đầu với mục đích du lịch thuần túy, hoặc các mục đích khác, hoặc đơn thuần chỉ là đặt phòng lưu trú. Sau đó họ sẽ sắp xếp thời gian để trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình tại điểm đến. Các dịch vụ này có thể là những “options” trả thêm, hoặc có thể đã bao gồm thông qua những combo du lịch.

Một khu wellness retreat điển hình
Một khu wellness retreat điển hình

Kỳ nghỉ du lịch wellness

Kỳ nghỉ wellness có thể được cung cấp bởi các điểm đến, thường là những khu nghỉ dưỡng hoặc những cơ sở lưu trú có nhiều điều kiện wellness. Những kỳ nghỉ này khoảng thời gian đủ dài với các chương trình chăm sóc sức khỏe, gồm nhiều hoạt động phối hợp với nhau. Đó có thể là những khóa học về thiền, yoga; các liệu pháp phục hồi sức khỏe bằng tắm khoáng, massage; làm đẹp da bằng bùn khoáng…

Ngoài các dịch vụ có sẵn, chương trình kỳ nghỉ có thể kết hợp thêm các trải nghiệm hấp dẫn ở môi trường xung quanh điểm đến. Chẳng hạn trải nghiệm cuộc sống bản địa, hòa mình vào văn hóa cùng thiên nhiên trong lành của địa phương đó…

Với các kỳ nghỉ wellness, du khách sẽ chủ động ở một số hoạt động. Họ có thể tự quyết định phương tiện di chuyển, kéo dài thêm kỳ nghỉ, hoặc nối tiếp chuyến đi của mình đến các địa điểm khác.

Chương trình du lịch sức khỏe trọn gói

Chương trình du lịch sức khỏe trọn gói cung cấp tất cả các dịch vụ liên quan đến chuyến đi. Từ việc tư vấn du khách để nắm bắt tình trạng và nhu cầu, rồi lên kế hoạch và chọn lọc những điểm đến, dịch vụ, trải nghiệm phù hợp. Người tham gia tuân thủ theo lịch trình ấn định sẵn để tối ưu thời gian, chi phí và đảm bảo hiệu quả từ những hoạt động đã vạch ra.

Chương trình du lịch sức khỏe trọn gói hoạch định các trải nghiệm được diễn ra xuyên suốt theo một chủ đề. Khoảng thời gian thường diễn ra trong nhiều ngày. Địa điểm thực hiện có thể một hoặc nhiều nơi với khoảng cách phù hợp. 

Chương trình chăm sóc wellness trọn gói thường được tổ chức bởi các công ty/ đại lý lữ hành. Xét về quy mô, khách tham gia chương trình này sẽ được thụ hưởng đầy đủ và toàn diện hơn các dịch vụ so với hai hình thức trên.

Chương trình du lịch chăm sóc sức khỏe trọn gói có thể được đóng khung sẵn với độ dài, lịch trình và thời gian khởi hành quy định. Du khách tham khảo và thấy phù hợp với các đặc điểm và điều kiện của mình thì tham gia. Ngoài ra, nó cũng được áp dụng với các trường hợp hội nhóm hay tổ chức nào đó có cùng những đặc điểm có thể cùng tham gia được. Khi đó chương trình sẽ được đơn vị tổ chức “đo ni đóng giày” cho phù hợp.

Giây phút tự tại trong chuyến du lịch wellness
Giây phút tự tại trong chuyến du lịch wellness

Tương lai Du lịch chăm sóc sức khỏe

Trước hết khẳng định Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế xã hội của thế giới. Dẫn con số trước thời điểm xảy ra đại dịch 2019 cho thấy du lịch đóng góp 10,3% GDP toàn cầu (khoảng 9,2 nghìn tỷ USD). Chưa kể, du lịch liên quan, bao trùm đến rất nhiều ngành kinh tế khác.

Riêng wellness tourism là một loại hình du lịch mới so với các loại hình truyền thống khác. Tuy nhiên, những con số thống kê và những dự báo cho thấy đây là một trong những loại hình tương lai của nền kinh tế du lịch.

Du khách chi tiêu nhiều hơn cho hoạt động wellness

Mức chi tiêu mà du khách đi du lịch với mục đích chăm sóc sức khỏe cao hơn so với khách du lịch thông thường. Cụ thể, vào năm 2017 (thời điểm trước đại dịch), mỗi du khách chi tiêu cho hoạt động wellness trung bình 1,601 USD, cao hơn khách bình thường đến 53%. 

Sự quan tâm và đầu tư cho sức khỏe không chỉ thể hiện ở chi phí trải nghiệm các hoạt động. Du khách chịu chi cho phí bảo hiểm cho wellness lên đến 609 USD mỗi chuyến đi. Mức này cao hơn 178% so với khách du lịch bình thường.

Năm 2020, thời điểm mà Covid-19 hoành hành trên toàn cầu, vẫn có đến 4,4 nghìn tỷ USD chi cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe. Trong đó: 436 tỷ USD chi cho wellness tourism, 955 tỷ USD cho chăm sóc cá nhân và làm đẹp, 946 tỷ USD cho chế độ ăn uống lành mạnh và giảm cân…Nguồn tham khảo: The Global Wellness Economy: Looking Beyond COVID – December 2021

Theo khảo sát của American Express Company – công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, có trên 70% người được hỏi cho biết họ đang đặt ra nhiều mục tiêu cho sức khỏe và và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các chuyến du lịch sức khỏe.

Wellness tourism có tốc độ phát triển ấn tượng

Năm 2022 nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế du lịch nói riêng trong đó có du lịch sức khỏe sẽ phục hồi mạnh mẽ. Theo WTA (Wellness Tourism Association) dự báo, năm 2022 du lịch chăm sóc sức sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 7,5%, trong khi mức tăng trưởng của ngành du lịch nói chung chỉ 6,4%. Tổ chức này cũng đưa ra dự đoán, năm 2022 sẽ là thời điểm bùng nổ của wellness tourism với 1,2 tỷ chuyến đi trong năm và mức chi tiêu sẽ là 919 tỷ USD.

The Global Wellness Economy dự báo trong giai đoạn 2020 – 2025, nền kinh tế chăm sóc sức khỏe toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ trung bình 9,9% hàng năm. Trong đó, lĩnh vực wellness tourism tăng trưởng mạnh mẽ nhất, trung bình đến 20,9%/năm. Dự báo cũng đặt ra kỳ vọng đến năm 2025, nền kinh tế wellness sẽ đạt gần 7,0 nghìn tỷ USD doanh thu.

Wellness tourism sẽ phát triển mạnh mẽ
Wellness tourism sẽ phát triển mạnh mẽ

Wellness tourism (Du lịch chăm sóc sức khỏe) sẽ là xu hướng, tại sao?

Vì con người ngày càng đối diện với quá nhiều mối đe dọa sức khỏe

Tốc độ già hóa dân số trên thế giới đang diễn ra tốc độ nhanh (hiện nay 1/9 dân số trên 60 tuổi, đến 2050 là 1/5). Đây là nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, nhất là việc đối diện với các nguy cơ bệnh tật thường trực.

Con người ngày càng trở nên ốm yếu, dễ mắc nhiều loại bệnh. Chẳng hạn như, béo phì là bệnh mãn tính, một trong những nỗi lo lắng thật sự của con người. Việc thừa cân sẽ khiến con người chúng ta dễ mắc rất nhiều bệnh nguy hiểm. Theo WHO, năm 2020 thế giới có đến 1,9 tỷ người trong tình trạng thừa cân, 650 triệu người bị béo phì.

Dịch bệnh liên miên với nhiều chủng virus ngày càng nguy hiểm! Đại dịch covid-19 vừa rồi là một minh chứng.

Môi trường sống của chúng ta bị đe dọa nghiêm trọng. Suy thoái và ô nhiễm không khí ở khắp nơi (WHO nhận định đây là rủi ro sức khỏe nghiêm trọng nhất do môi trường gây ra).

Một khi đã mang bệnh, chúng ta thường sợ hãi, nhưng lại dễ dãi “tự nguyện đầu hàng” khi tự ý dùng và lạm dụng thuốc kháng sinh. Tác hại rõ ràng nhất là các tác dụng phụ và kháng kháng sinh.

Wellness tourism gồm những bài trị liệu chăm sóc sức khỏe
Wellness tourism gồm những bài trị liệu chăm sóc sức khỏe

Xã hội hiện đại nảy sinh nhiều vấn đề

Một vấn đề mà Điệp nêu ra đây là điển hình: Chúng ta ngày càng “cô đơn trong xã hội hiện đại”.

Công nghệ giúp chúng ta cải thiện cuộc sống, nhưng đó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta trở nên “cô đơn” hơn. Việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, con người trở nên ít giao tiếp và kết với nhau, các mối quan hệ xã hội lạnh nhạt. Cảm giác lạc lõng, căng thẳng, stress là thường trực. Khi không có sự đồng cảm, sẻ chia, con người có xu hướng “tự giải quyết”. Đó là nguyên nhân của rất nhiều vụ tự tử. WHO thống kê, cứ sau mỗi 40 giây, trên thế giới lại có một người chết vì tự tử.

Nhiều, và còn rất nhiều yếu tố tiêu cực nảy sinh, rõ rành ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Wellness tourism (Du lịch sức khỏe) sẽ là xu hướng, đặc biệt sau dịch

Thu nhập bình quân đầu người trên thế giới tăng liên tục, đồng nghĩa với tầng lớp trung lưu ngày một nhiều, tiêu chuẩn sống cao hơn. Con người có điều kiện để nhận thức cũng như quan tâm nhiều hơn đến việc sức khỏe và cân bằng cuộc sống. Xu hướng sống khỏe mạnh (wellness living) ngày càng trở thành lựa chọn của nhiều người. Đây là giải pháp để con người chủ động phòng ngừa bệnh tật (thay vì chữa bệnh) cũng là cách đối phó với các thách thức trong cuộc sống như đã đề cập ở trên.

Đặc biệt, đại dịch covid-19 vừa rồi; ngoài vaccine, người ta đề cập rất nhiều đến các chủ đề hệ miễn dịch, đề kháng và tự chữa lành.

Bên cạnh, sự phổ biến của mạng xã hội giúp con người dễ dàng tiếp cận, cập nhật các thông tin về xu hướng chăm sóc sức khỏe. Cũng nhờ đó, sự kết nối cũng như lựa chọn các dịch vụ wellness trở nên thuận tiện hơn.

Từ những điều trên, chúng ta đưa ra dự đoán du lịch chăm sóc sức khỏe (wellness tourism) sẽ lên ngôi và là xu hướng trong năm 2022. Thông qua chương trình du lịch, du khách sẽ được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện, liên tục. Sự toàn diện ở đây không chỉ ở thể chất hay tinh thần, mà còn cả những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật, như: cảm xúc, tình cảm, mối quan hệ xã hội…

Wellness tourism (Du lịch chăm sóc sức khỏe) tương lai của ngành du lịch
Wellness tourism (Du lịch chăm sóc sức khỏe) tương lai của ngành du lịch

Tạm kết

Wellness tourism (Du lịch chăm sóc sức khỏe) là một loại hình đã được UNWTO (Tổ chức Du lịch Thế giới) công nhận. Hy vọng đây sẽ là tương lai của nền kinh tế du lịch, một trong những mảng mang về doanh thu cao nhất. Bài viết này hy vọng sẽ chia sẻ những hiểu biết nhỏ nhoi của Điệp đến mọi người. Với nguồn tư liệu còn ít ỏi, chắc chắn sẽ có những thiếu sót. Rocky Blog và Điệp rất mong sẽ nhận được những sự chia sẻ và góp ý của các cao nhân trong ngành.

*** Bài này Điệp có tham khảo tài liệu và hình ảnh từ nhiều nguồn: GWI, WHO, WTA, UNWTO, Mekong Cruise, Avana retreat, Naman retreat, AnLam retreat…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *