Bố Già (The Godfather) xuất bản năm 1969, được biết đến là tiểu thuyết hay nhất thời đại viết về mafia. Cuốn sách kinh điển này là vật thường xuyên được đặt trên bàn làm việc của mình. Có nhiều góc nhìn, bài học và cảm nhận khác nhau về tác phẩm. Bỏ qua các yếu tố băng đảng, tội phạm, hay giết chóc. Với mình, tình yêu thương và trách nhiệm của người đàn ông với gia đình là tất cả. Cùng với đó, bổn phận của mỗi người trong cuộc sống này, là những điều mình tâm đắc nhất! Thông qua nhân vật Don Vito Corleone, tác giả Mario Puzo đã có câu rất hay: “A man who doesn’t spend time with his family can never be a real man!”.
Vì đâu có những cảm xúc về cuốn Bố già (The Godfather)?
Chiều nay mới nghe vụ việc một gia đình gần nhà có chuyện cha con ẩu đả nhau. Cảm thấy đau nhói cõi lòng, mình giở Bố già ra đọc vài đoạn và quyết định viết vài cảm xúc. Cũng không biết sẽ có nhiêu phần, nhiêu đoạn nữa; viết tới đâu thì đăng tới đó vậy thôi. Bài dưới đây tạm coi là phần 1, chủ yếu sơ lược về duyên của mình với cuốn sách này. Mình cũng tóm tắt cuộc đời của Ông trùm – nhân vật chính trong tác phẩm.
Những bài kế tiếp thì mình sẽ chia sẻ về những ý nghĩa qua các câu nói. Những bài học rút ra từ câu chuyện cuộc đời của Bố già Don Vito Corleone.
Muốn mua sách thì lên Tiki nhé, mình mua ở Link này https://shorten.asia/UajrMs9D được giảm đến 30%
Nghe rock mới biết Bố già (The Godfather)
Mình thì thích nghe nhạc rock. Chiều nọ, lọ mọ về Guns N’ Roses, thấy tay guitar thần sầu Slash chơi một đoạn réo rắt. Lúc đầu, mình cứ nghĩ một bản thất tình nào đó. Vẫn da diết, cứa vào tim rỉ máu như ngày nào. Tựa khoảnh khắc chàng solo ngoài sân nhà thờ trong November Rain đỉnh để đời. Lục lọi, thì ra là Love Theme from The Godfather – bản nhạc nền của phim bất hủ! Mình liền search để xem phim The Godfather (Bố già) để biết trong đó nó có gì mà bài nhạc “hách” đến thế!
Phim Bố già (The Godfather)
Khi xem phim lần đầu mình chưa hiểu lắm, thế là có những lần thứ 2, thứ 3. Càng xem, mình càng thấy thích khi nhận ra những điều hay ho và ý nghĩa của tác phẩm.
Với phiên bản phim thì có đến 3 phần. Trong đó phần đầu ra mắt công chúng năm 1972 bởi đạo diễn Francis Ford Coppola. Đây là tập phim được đánh giá rất cao với nhiều giải thưởng đạt được. Nó chuyển thể gần như trọn vẹn nội dung của cuốn tiểu thuyết. Đương nhiên cũng có những cắt xén hoặc thêm bớt chút chút để phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh.
Mình đã quyết định mua sách để đọc và so sánh giữa tiểu thuyết và phim ảnh có gì khác nhau không. Nếu được chọn lại từ đầu, mình sẽ ngấu nghiến sách trước rồi hãy xem phim sau.
Sách Bố già (The Godfather)
Ở Việt Nam, theo mình biết cũng đã từng có một số bản dịch. Mình không giỏi tiếng Anh để đối chiếu với bản gốc của tác phẩm. Tuy nhiên, công chúng mộ điệu dường như có cảm tình và quen thuộc với bản dịch của cụ Ngọc Thứ Lang. Bản Bố già được cụ ra mắt công chúng Sài Gòn vào năm 1972. “Bố già” – danh xưng này là kiệt tác của dịch giả Ngọc Thứ Lang. Trước đó, hầu hết người ta dịch Godfather là Cha đỡ đầu, Cha Chúa, Cha Thánh…
Mình có tìm hiểu qua tư liệu thì được biết cụ Ngọc Thứ Lang có một cuộc đời nhiều thăng trầm. Tài hoa mà bạc mệnh. Những ngôn từ được chuyển thể trong sách thật là hạp tình với phong cách “dân anh chị” ở miền Nam thời đó. Nhận định này không phải mình dựa theo các bài review trước đó để nói bừa đầu. Cảm thấy nó giống như văn phong một số tác phẩm giai đoạn trước 75 mà mình đã đọc!
Có lẽ do cuộc đời từng trải, thăng trầm, nghiện ngập và không may mắn trong hôn nhân, đã giúp dịch giả “phóng bút khoái hoạt”. Hậu thế chúng ta biết ơn vì có một bản dịch để đời của một tác phẩm để đời!
Cuộc đời đáng kính của Bố già
Trong tiểu thuyết, tác giả Mario Puzo không kể chuyện theo tiến trình thời gian. Ông đã đan xen các sự kiện; từ diễn biến của hiện tại, lồng ghép và kết nối với quá khứ. Dưới đây mình không tóm tắt tác phẩm vì luôn sợ bị thiếu (hay quá mà). Đang cảm xúc về nhân vật chính nên chỉ muốn sơ lược cuộc đời của Bố già mà thôi. Theo đó, mình thấy có 05 cột mốc trong cuộc đời và sự nghiệp của ông như sau:
Bố già có tuổi thơ bất hạnh
Vito Andolini là tên khai sinh của nhân vật chính, người sau này được tôn trọng và gọi là “Don” – Bố già. Ông có một tuổi thơ cơ cực, một gia đình bất hạnh. Năm 12 tuổi phải rời bỏ ngôi làng Corleone ở xứ Sicily (Cicilia) – quê hương của mafia, nước Ý. Để an toàn, ông đã thay tên đổi họ, từ đó có tên Vito Corleone (giữ lại tên ngôi làng để luôn nhắc nhớ quê hương).
Bước ngoặt thời thanh niên
Giống nhiều dân nhập cư yếu thế khác, giai đoạn đầu cuộc sống Vito rất khó khăn. Nhưng, “mỗi người mỗi phần số”, số của Vito là Ông Trùm. Cuộc sống chật vật, cam chịu nhiều bất công, bị đè nén cùng những luật lệ người khác đặt ra. Tất cả là điều kiện và sức bật để một ngày chuyện đến phải sẽ đến. Một “thằng nhà quê” hiền lành làm công trong quán chạp phô ngày nào đã trở thành “nhân vật” phải kính nể của lối xóm.
Vào một ngày, mọi thứ như được sắp đặt, sự xuất hiện của Peter Clemenza và Tessio. Đây là 2 “caporegime”; cánh tay trái, tay phải. Những chiến hữu, người bạn cùng xứ sở Sicily, đã đồng hành trong suốt sự nghiệp Bố già. Vito lần đầu đặt tay vô cò súng, đã lạnh lùng hạ đo ván đàn anh Fanucci. Từ đây, thế giới mafia Mỹ khởi đầu sang trang. Ông trùm của những ông trùm xuất hiện, nhất thống giang hồ và sắp đặt trật tự cuộc chơi mới.
Ông trùm lên ngôi
Với sự nhạy bén, Vito khởi sự kinh doanh với hãng dầu ăn. Sau đó là chuyên chở rượu lậu. Bản tính “con người biết điều”, đã giúp ông xây dựng và mở rộng mối quan hệ rất tốt.
Sau thế chiến thứ nhất đã xảy ra cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Ở New York, nhiều người thiếu ăn, nhưng nhóm của Bố già càng phát đạt. Có tiền cùng tầm nhìn xa trông rộng, Vito đã nắm và chi phối được nhiều giới quan chức đương thời.
Trong thế giới mafia đầy rẫy chết chóc, để tồn tại thì phải tranh đấu. Những năm giữa cuối thập niên 30, là giai đoạn đại chiến giữa các thế lực đen. Chiến thắng không ai khác chính là phê của Vito Corleone. Năm 1939 ra đời bản thỏa ước giữa các phe nhóm khi trật tự xã hội đen được thiết lập. Là số phận, hiển nhiên Bố già là trùm của các ông trùm.
Bố già gặp biến cố
Bắt đầu từ sự xuất hiện của gã “Đường Thổ” Sollozzo và lời đề nghị hợp tác về ma túy. Với sự cẩn trọng, Bố Già đã khước từ.
Không được chấp nhận, Sollozzo được sự hậu thuẫn của liên minh Tattaglia – Barzini đã ra tay bắn hạ Bố Già. Rất may, dù bị thương nặng nhưng ông vẫn giữ được mạng sống. Từ đây, cuộc đại chiến lần thứ 2 trong giới giang hồ lại nổi lên. Bị đánh hội đồng bởi “ngũ đại gia đình”, phe Corleone đã thiệt hại nặng nề khi “trải nệm” để nghênh chiến.
Người hùng thường sinh ra từ những hoàn cảnh. Thời điểm gia đình gặp nguy hiểm nhất, nhà Bố già vẫn còn đó Michael Corleone. Người con trai thứ 3, từ nhỏ vốn không muốn can dự đến chuyện làm ăn của gia đình, giờ lại là người phải ra tay.
Bố già ra đi thanh thản
Bản lĩnh và sự khôn ngoan của Bố già một lần nữa được thể hiện trong hội nghị hòa giải. Biết kiềm chế cảm xúc, tầm nhìn xa rộng của ông đã giúp nhà Corleone thoát ra khỏi sự trả thù, giết chóc. Không những vậy, đây là sự kiện dọn đường cho một Ông trùm mới…
Những ngày cuối đời Bố già dành thời gian cho mảnh vườn của mình. Hàng ngày tự tay vun trồng, tưới nước; là cách để sống lại quãng đời thơ ấu của mình. An nhiên, tự tại vì phận số của mình đã sắp hoàn thành. Có lẽ, trong tâm thức của ông già cảm thấy hạnh phúc vì cả cuộc đời mình đã làm tất cả, hết mình vì gia đình, con cái. Đến phút lâm chung đã thốt lên được những từ thật ý nghĩa “Đời đẹp quá”…
Michael Corleone, sau thời gian phải lánh nạn tại cố hương Sicily, đã đàng hoàng trở về Mỹ. Anh bắt đầu học hỏi và tiếp quản cơ nghiệp của ông già. Và, bước ngoặt, phận số của anh cũng chính thức bước vào vị trí một Ông trùm mới, người kế vị xuất sắc của cha mình.
Tạm kết phần 1.
Điệp sẽ viết phần kế tiếp khi nào đủ thời gian.